Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Tranh cãi về đề xuất nâng độ tuổi trẻ em lên 18

Nhóm ủng hộ cho rằng nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 là phù hợp với công ước quốc tế, bảo vệ được nhóm trẻ có nhiều biến đổi tâm sinh lý; nhóm khác lại lo ngại sẽ xung đột với nhiều luật và khó xử lý khi tội phạm vị thành niên gia tăng. Tin nhanh         
 
Tại phiên thảo luận dự luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) ngày 23/11, các đại biểu đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất nâng độ tuổi trẻ lên 18.

Ủng hộ đề xuất nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên đến dưới 18 tuổi như dự luật, đại biểu Nguyễn Thị Phúc thông tin, theo nghiên cứu của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc, trong số quốc gia thành viên Công ước quốc tế về quyền trẻ em, đa số quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18. Chỉ có 12,1% quốc gia quy định trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có Việt Nam.

“Việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em dưới 18 tuổi như dự luật là phù hợp với Công ước quốc tế, phù hợp với quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam về xác định tuổi của người chưa thành niên”, đại biểu Phúc nói.


Đại biểu Nguyễn Thị Phúc ủng hộ việc nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18. Ảnh: Giang Huy.


Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn cho rằng thời điểm này mới điều chỉnh tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 đã là muộn, trong khi các nước xung quanh và thậm chí như Lào, Campuchia là 2 quốc gia gần nhất cũng đã quy định độ tuổi này.

Theo đại biểu Hoàn, báo cáo của Bộ Lao động đã có tới 12/13 bộ, ngành được xin ý kiến nhất trí, có tới 55/63 tỉnh thành nhất trí quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18. “Tôi đề nghị dù có phải tốn kém để điều chỉnh các bộ luật, hay có phải tiết kiệm các nguồn chi khác để có nguồn lực cho việc đảm bảo các quyền của trẻ em thì cũng phải làm vì thế hệ tương lai của đất nước", đại biểu Hoàn nói.

Đồng tình với dự thảo, Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho biết, nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 sẽ phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em, phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục bậc THPT. Lứa tuổi 16-18 có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, rất nhạy cảm, cần được quan tâm đặc biệt để giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, được bảo vệ để không dễ bị lạm dụng.

Nâng độ tuổi trẻ em sẽ xung đột với nhiều bộ luật khác

Cẩn trọng với đề xuất trên, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng việc nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 cần phải thảo luận, suy nghĩ thật kỹ vì chính từ nội dung này mà kéo theo rất nhiều nội dung khác trong dự thảo cũng như liên quan đến nhiều bộ luật khác. Cụ thể, việc nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 sẽ dẫn đến xung đột với nhiều bộ luật, như Lao động, Hình sự, Dân sự, Thanh niên...

Bên cạnh đó, khái niệm và cách xác định trẻ em của các bộ luật vừa được nêu trên cũng có nhiều bất cập, không thống nhất. Hiện nay, trẻ em được xác định ở tuổi nào thì mỗi luật lại quy định khác nhau. Bộ luật lao động quy định người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, Luật thanh niên quy định thanh niên từ 16 đến 30 tuổi, Bộ luật dân sự quy định 18 tuổi trở lên mới là người thành niên. Bộ luật hình sự quy định người 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi hành vi phạm tội…

Không đồng tình với việc nâng độ tuổi trẻ em, đại biểu Triệu Thị Thu Phương lập luận, so với Công ước quốc tế thì không trái. “Theo Điều 1 Công ước trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi trưởng thành sớm hơn. Quy định này hoàn toàn mở, không bó buộc”, bà Phương phân tích.

Nêu thực tế tội phạm xảy ra ở tuổi vị thành niên gia tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ bạo lực học đường vi phạm pháp luật xảy ra ngay tại trường học, đối tượng phạm tội là những học sinh lớp 7-8, thậm chí có em giết người dã man với thái độ rất dửng dưng, đại biểu Phương lo lắng: “Nếu đưa tuổi trẻ em lên dưới 18, tôi e rằng mức độ phạm tội ở độ tuổi vị thành niên sẽ gia tăng, không tốt cho vấn đề quản lý xã hội”.

Một thực trạng nữa được đại biểu Phương nêu ra là ở vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, độ tuổi từ 16 đến dưới 18 đã kết hôn và sinh con, mặc dù luật pháp không cho phép. Vì thế, bà Phương đề nghị giữ nguyên độ tuổi trẻ em như luật hiện hành. “Nếu còn nhiều ý kiến khác nhau, tôi đề nghị Quốc hội lấy phiếu xin ý kiến Quốc hội”, đại biểu Phương nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét