Vừa qua, những hình ảnh về một thương binh trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị đánh đến mức phải nhập viện được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Liên quan đến sự việc trên, hiện có 2 quan điểm trái ngược nhau. Một số người do bức xúc với hành vi của nhóm thanh niên nên đã đề nghị cơ quan chức năng phải nhanh chóng khởi tố vụ án mà không cần phải có đơn đề nghị khởi tố của nạn nhân. Tuy vậy, cũng có không ít người cho rằng, việc khởi tố vụ án trong trường hợp này bắt buộc phải có đơn của người bị đánh.
11 trường hợp chỉ khởi tố khi có yêu cầu của nạn nhân
Thương binh Hoàng Tiến Vin bị nhóm thanh niên hành hung gây thương tích (ảnh trích từ clip)
Cần xác định tỷ lệ thương tích
Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, luật sư Lê Hồng Vân - Công ty Luật Labor Law cho rằng, đến thời điểm này, một tình tiết rất quan trọng chưa được nhắc tới, đó là tỷ lệ thương tích mà các đối tượng đã gây ra cho thương binh Hoàng Tiến Vin được kết luận là bao nhiêu phần trăm, từ đó mới có những ý kiến pháp lý chính xác liên quan đến vụ án này.
Về câu hỏi, ông Vin có cần phải làm đơn đề nghị khởi tố vụ án hình sự đối với các đối tượng hành hung ông hay không, theo luật sư Lê Hồng Vân, hành vi hành hung ông Hoàng Tiến Vin của các đối tượng là vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền được bảo hộ về sức khỏe, tính mạng và nhân phẩm của công dân. Đồng thời, hành vi này còn gây mất ANTT trên địa bàn, khiến dư luận bất bình. Theo Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự về trách nhiệm khởi tố vụ án hình sự, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, CQĐT, Viện kiểm sát, tòa án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội. Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự do Bộ luật này quy định.
Điều 100 Bộ luật này cũng nêu rõ, về căn cứ khởi tố vụ án hình sự: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở: Tố giác của công dân; Tin báo của cơ quan, tổ chức; Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Phải có đơn trong 11 trường hợp
Tiếp theo đó, Điều 105 Bộ luật TTHS về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại quy định, những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của BLHS chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Như vậy, pháp luật quy định 11 trường hợp về các tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái bị kích động mạnh; cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; hiếp dâm; cưỡng dâm; làm nhục người khác; vu khống; xâm phạm quyền tác giả; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của họ.
Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, có căn cứ xử lý hình sự với các đối tượng hành hung mình, những trường hợp bị đánh như ông Vin cần phải làm đơn đề nghị khởi tố vụ án đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền (CAH Chương Mỹ) về hành vi cố ý gây thương tích.
Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, hiện vẫn có không ít người thắc mắc, tại sao trong trường hợp của ông Vin khi hành vi vi phạm pháp luật xảy ra khá rõ ràng nhưng bị hại vẫn phải làm đơn đề nghị thì cơ quan chức năng mới tiến hành khởi tố vụ án?
Như đã phân tích ở trên, theo Điều 105 về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại phần lớn là các tội phạm xâm phạm đến nhân thân của con người. Xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, pháp luật cho phép họ được lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.
Điều này cũng phù hợp với những nguyên tắc về tôn trọng quyền nhân thân của Bộ luật Dân sự, đó là nguyên tắc tự định đoạt. Hơn nữa, với quy định này, các nhà làm luật nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra, hạn chế việc gây thêm những tổn thất, mất mát về mặt tinh thần, danh dự không cần thiết có thể có đối với người bị hại.
Mặc dù rất bất bình với hành vi của những đối tượng hành hung ông Vin và mong muốn pháp luật trừng trị thích đáng đối với những đối tượng này, nhưng theo quy định hiện hành, người bị hại vẫn phải có đơn yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc. Quy định này không phải “làm khó” cho người bị hại mà nó thể hiện sự quan tâm đến quyền tự quyết định của cá nhân. Dựa trên yêu cầu của người bị hại, cơ quan chức năng sẽ xem xét giải quyết theo quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho họ - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.
Nguồn: Chuyen la
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét